Nguyệt San Số 34


Mùa Xuân Quê Hương

Tác giả: Niemtingaymai
Thể loại: Quê hương

      Một mùa xuân lại sắp về trên quê hương tôi,tiết trời đang se lạnh,làm không khí xung quanh và mọi vật như đang co mình lại trong cái rét,để chờ khi những cánh chim én kia bay từ phương nam nắng ấm trở về sẽ hòa cùng đôi cánh của chúng để thả hồn vào đất trời và quyện trong vị tết.Trên chiếc loa phóng thanh của xóm tôi đang phát bài hát “một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”.Tôi vẫn được nghe bài hát này mỗi ngày một cách đều đặn mỗi sáng sớm và buổi chiều tối,nhưng sao thấy cảm giác bây giờ khó tả một cách khác lạ.Phải chăng vì thường ngày tất bật với chuyện học hành,với cuộc sống đang hối hả kia mà chính bản thân con người Hà Tĩnh như tôi đây không thể nhận ra được những gì mình đang có và cần phải yêu nó hơn nứ, “nó” mà tôi nhắc đến ở đây là một giá trị truyền thống,giá trị tinh thần và đó tất nhiên là bao gồm cả các phong tục tập quán ngày lễ tết.Năm nay tôi đã mười tám,cái lứa tuổi theo như người ta nói thì năng nổ,giàu nhiệt huyết nhất,và chắc hẳn các bạn trẻ cũng đồng ý với tôi rằng khi con người ta đã lớn khôn thì sẽ nhận ra mình,sẽ suy nghĩ nhiều hơn và nói đúng hơn là có nhiều cảm xúc,nhiều trải nghiệm hơn.
    Tất cả những đứa trẻ cùng tuổi với tôi cách đây khoảng mười năm,mười lăm năm-cái thế hệ mà người ta quen gọi là 9x ấy-cũng giống như tôi,ao ước cái tết đến như thế nào.Không nói hết được niềm vui ấy khi gần tết,khoảng ngày hai mươi bảy,hai tám tháng chạp âm lịch,mỗi đứa trong xóm chúng tôi được cha mẹ đưa ra chợ trên Huyện để mua quần áo,vì ngày ấy xã của tôi chỉ có độc nhất một cái chợ và hàng hó chẳng có gì ngoài thực phẩm.Đứa nào đứa nấy cũng hân hoan vì trẻ em ở quê mà,đâu phải như cuộc sống ở thị thành đầy đủ,tôi còn nhớ rất rõ,kẹo tết thì xin tiền của mẹ đi từ hôm hai mươi âm lịch,tới tết thì kẹo cũng đã sắp hết vì tôi và em tôi toàn chọn những thứ ngon ăn trước,còn hạt dưa và mấy thứ mứt gừng cay kia thì con nít chúng tôi không khoái lắm,ăn chúng mất nhiều thời gian mà chúng tôi chỉ muốn ngậm kẹo vào miệng rồi cầm súng nước chạy tung tăng,đứa nấp sau nhà,đứa ở hàng rào trước ngõ,đứa thì trốn trong vườn cải với những hoa cải đã lên rất cao để bắn nhau. Có lần khách đến chơi nhà,cả lũ bọn tôi lại vô tình nghịch ngợm mà bắn súng nước cả vào khách,mà lại là nước muối dưa của mẹ..Tai hại thay bị tịch thu “vũ khí”và tất nhiên là bị dính roi là cái chắc.Ôi! nghĩ lại thấy buồn cười mà cũng thấy vui,ước gì trở lại được một lần chơi đùa cùng lũ trẻ trong xóm vì giờ mỗi đứa chúng tôi có một công việc riêng. Nhớ ơi là nhớ!
    Ở quê tôi,tết thường kéo dài cả ba ngày tết,đi chơi rồi ngồi đánh bài ăn kẹo,và lũ trẻ chúng tôi khoái nhất là khâu mừng tuổi.Hôm đi chợ tết với mẹ đã tính rồi,mua một con lợn nhựa màu đỏ,hồi đó giá là ba nghìn một con,về nhà chỉ chờ tới khi pháo hoa giao thừa nổ trên tivi là thu “chiến lợi phẩm” thôi! Ngày ba mươi tết,sáng sớm dậy tôi có nhiệm vụ quan trọng là chùi lá dong cho mẹ và ông nội gói bánh. Từng chiếc lá dong mẹ mua ngoài chợ về được tôi lấy bàn chải kì cọ một cách cẩn thận để không bị rách. Trong lúc ấy mẹ tôi ngồi trộn nhân bánh,nội của tôi thì tỉ mẩn với những chiếc lạt tre vàng óng.Và công cuộc gói bánh dành cho nội tôi và mẹ bắt đầu,tôi còn bá nên chỉ đứng nhìn và nũng nịu đòi nội làm cho cái bánh “dài”. Lúc ấy tôi chỉ biết tết người ta thường làm bánh chưng bánh dầy qua câu chuyện lang liêu hồi lớp một, tôi chẳng phân biết được đây là bánh chưng,đâu là bánh dầy nữa.Tôi chỉ thích cái bánh nào “dài” để có thể buộc vào đó một lạt tre thật dài và mang….trên cổ! Đúng là tre con,và các bạn hàng xóm của tôi chả khác gì tôi!!! Ngồi nhìn mẹ tôi nhóm một bếp củi thật to để bắc nồi bánh, khi nồi bánh được bắc lên bếp củi thì tôi cũng đã ngồi vắt chân lên cái chõng tre mà nội tôi kê sẵn để trong bánh chưng suốt đêm nay. Tôi thủ thỉ một tí dặn nội nhớ phải gọi dậy lúc giao thừa để xem pháo hoa trên tivi,rồi mang theo niềm háo hức ngày mai được nhận tiền mừng tuổi và ngủ không hay biết gì.
    Những phong tục ấy giờ vẫn được duy trì ở quê hương tôi,với bánh chưng,bánh dầy sắp lên bàn thờ tổ tiên cùng một mâm ngũ quả tròn đầy. Tất cả những thứ ấy là vẹn nguyên,được sắp đặt rất tỉ mỉ và cẩn thận.Đã nghe thơm mùi khói nhang trong cả căn nhà nhỏ bé.Khi nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ,tôi càng nghĩ về mẹ và cuộc đời của bà.bà sinh ra ở một miền quê nghèo trong một gia đình đông con-nhà mẹ tôi có tới tám người con.Cuộc sống từ bé đã lam lũ vất vả làm bà chững chạc hơn ở tuổi mười tám và cũng vào thời xuân ấy bà đi lấy chồng.Lấy cha tôi lúc ấy nghe bảo cuộc sống khó khăn lắm,ông bà nội dựng cho cái nhà tranh để ở tạm,rồi cha tôi đi bộ đội,cuộc sống tuy vất vả nhưng mẹ vẫn chăm lo mọi thứ cho gia đình và con cái.Suốt mười năm chờ chồng đang chiến đấu nơi ngoài mặt trận,mười cái tết mà thiếu đi bóng dáng người đàn ông trong nhà.Một mình bà làm lụng vất vả cho anh em chúng tôi được bằng bạn bằng bè,để anh em tôi có cái áo mới mặc tết,để khi cha tôi về ông sẽ thấy vợ mình tuyệt vời như thế nào.Gần mười năm trời bạch vô âm tín rồi đùng một cái,ông trở về trong một chiều đông. Mẹ tôi mừng xiết bao,cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn từ đó và cái tết năm ấy với chúng tôi cũng thật vui.Cha đưa chúng tôi đi sắm đồ,rồi đi chơi khắp họ hàng xa gần nữa.Đó quả thực là một mùa xuân hạnh phúc với mẹ của tôi.

    Thời gian trôi qua mau,giờ cuộc sống đã khác trước nhiều nhưng những gì là quá khứ ấy vẫn luôn hiện hữu và đó như là hoài niệm của một thời để nhớ.Tết với tôi như là một sự trải nghiệm thực sự,khi con người ta lớn thêm một tuổi thì suy nghĩ cũng chín chắn lên nhiều.Ngày bé tôi thích tết vì có bánh kẹo để tôi thoái mái ăn,có phong bao lì xì nữa,đó là những thứ mà mỗi đứa trẻ chúng tôi đều rất thích,còn giờ đây,tết là đoàn tụ,là yêu thương gia đình,là những tiếng cười nói mà ngày thường đâu dễ tìm thấy được,còn cả những hội hè,bạn bè với đủ thứ chuyện trên trời dưới đất,ai cũng mong tới tết để gặp lại những người mình yêu dấu và về lại những kỉ niệm xưa. Mỗi khi bước chân xuống ga tàu hỏa,nhìn cảnh dòng người chen chúc với hoa đào cầm trên tay,ai không được về quê ăn tết cùng người thân sẽ thấy tủi và nhớ mùi vị tết biết bao,nơi chôn rau cắt rốn ấy đã xho ta nhiều kỉ niệm,nụ cười và cả giọt nước mắt nữa.Xuân lại sắp rộn ràng theo những cánh chim én nhỏ về trên niềm hạnh phúc,trên bờ môi cười đỏ thắm.Tôi cũng thầm mong cho thời gian trôi qua thật mau để có thể gọi điện báo cho mẹ rằng “mẹ à ! ngày mai con về quê ăn tết nhé”!